Mụn không chỉ xuất hiện ở mặt, lưng hay ngực, mà mụn còn có thể bất ngờ nổi lên ở ngay sau vành tai. Nếu bạn đang gặp phải tình trạng đặc biệt này và không biết nguyên nhân đến từ đâu, đừng lo lắng. Hãy cùng Beaudy.vn trả lời câu hỏi vì sao nổi mụn sau vành tai, cách điều trị hiệu quả và phương pháp phòng ngừa để giữ cho làn da luôn mịn màng nhé!
- Nguyên nhân nổi mụn sau vành tai
- Bít tắc lỗ chân lông
- Vi khuẩn gây mụn
- Do các sản phẩm chăm sóc tóc
- Không vệ sinh kỹ vùng sau tai
- Lông mọc ngược
- 5 cách điều trị nổi mụn sau vành tai hiệu quả
- Dùng Salicylic Acid (BHA)
- Kết hợp Benzoyl Peroxide
- Bổ sung Retinol nếu tình trạng mụn nặng hơn
- Uống thuốc trị mụn
- Thử các thành phần thiên nhiên
- Phương pháp phòng ngừa nổi mụn sau vành tai
Nguyên nhân nổi mụn sau vành tai
Bít tắc lỗ chân lông
Ở vùng sau tai vẫn có các tuyến bã nhờn hoạt động và nếu sản xuất quá mức dầu thừa (Sebum) sẽ gây ra bít tắc lỗ chân lông. Cộng thêm với các tế bào chết đọng lại sau tai lâu ngày không được loại bỏ, đã dẫn đến tình trạng nổi mụn sau tai. Đây là nguyên nhân có thể phòng ngừa và điều trị được, nếu bạn biết cách chăm sóc da đúng cách với những hoạt chất phù hợp.
Vi khuẩn gây mụn
Nổi mụn sau vành tai có thể đến từ vi khuẩn P.Acnes (Propionibacterium Acnes). Đặc điểm của tình trạng này là xuất hiện các nốt mụn mủ có kích thước nhỏ, từ 1 đến 3mm và có hiện tượng viêm đỏ xảy ra thường xuyên. Khi mụn phát triển nặng hơn, sẽ gây ra tình trạng mụn bọc có mủ trắng, tích tụ nhiều vi khuẩn trong đó, Điều khó chịu nhất khi nổi mụn mủ đó là gây cảm giác đau nhức và rất khó điều trị bằng các sản phẩm bôi thông thường.
Do các sản phẩm chăm sóc tóc
Một yếu tố gây mụn vô cùng phổ biến mà các cô nàng cũng thường ít quan tâm đến, đó là các sản phẩm chăm sóc hằng ngày. Các loại dầu gội khô, dầu xả có nhiều chất khóa ẩm dễ gây bít tắc lỗ chân lông hơn và từ đó âm thầm gây mụn. Điểm đặc biệt của nhóm mụn gây ra bởi các sản phẩm chăm sóc tóc, đó là mụn ẩn, mụn đầu trắng hay mụn đầu đen.
Không vệ sinh kỹ vùng sau tai
Thật ra chúng ta luôn quan tâm chăm sóc rất nhiều cho vùng da mặt, da body và bỏ quên ở các vùng ở sau tai. Thế nên đã tạo điều kiện cho các yếu tố gây nổi mụn hình thành như: dầu thừa, bã nhờn, tế bào chết. Cấu trúc giải phẫu của vùng sau tai tương đối khuất, che bởi tóc và sụn vành tai, nên trong quá trình chăm sóc cần phải được để ý nhiều hơn nữa nhé.
Lông mọc ngược
Lông mọc ngược tương đối hiếm gặp vì vùng da sau tai thường mọc lông rất ít. Tuy nhiên, điều này vẫn có thể xảy ra nếu như các nang lông bị cuộn xoắn và kẹt lại bên dưới. Đặc điểm nhận biết của lông mọc ngược là những chấm sưng nhỏ, đỏ và có kích thước gần đều nhau.
5 cách điều trị nổi mụn sau vành tai hiệu quả
Dùng Salicylic Acid (BHA)
Một hoạt chất đầu tiên và được các bác sĩ da liễu luôn khuyến cáo sử dụng đó là Salicylic Acid (BHA) bôi tại chỗ. BHA có khả năng tẩy da chết hiệu quả, làm đứt gãy các tế bào già cỗi, đào thải chúng ra ngoài tự nhiên và từ đó làm thông thoáng lỗ chân lông vô cùng hiệu quả. Thế nên BHA có thể khắc phục hầu hết các nguyên nhân gây nổi mụn sau tai, phù hợp với tất cả nhóm mụn đang gặp phải. Bạn có thể dùng BHA trực tiếp với nồng độ 2% lên nơi bị nổi mụn, hoặc có thể cho BHA ra bông cotton sau đó đắp lên vùng da sau tai vài phút để loại bỏ sạch bã nhờn trong đấy.
Kết hợp Benzoyl Peroxide
Ngoài ra, bạn có thể kết hợp BHA cùng với chấm mụn có chứa Benzoyl Peroxide (BPO) cho vùng da sau tai. Bởi BPO có tính kháng khuẩn, kháng viêm mạnh mẽ, ức chế sự phát triển của vi khuẩn P.Acnes. Bắt đầu dùng BPO với nồng độ từ 2.5% đến 5% và tăng dần tần suất điều trị. Tuy nhiên BPO có thể gây khô da, nên cần cấp ẩm thật tốt.
Bổ sung Retinol nếu tình trạng mụn nặng hơn
Khi các nhân mụn sau tai bắt đầu nổi nhiều hơn, và nếu đã dùng đơn thuần BHA vẫn không thể kiểm soát được. Bạn có thể cân nhắc bổ sung Retinol vào sau bước bôi BHA. Retinol có tính bạt sừng tốt, ức chế tế bào Neutrophils của bạch cầu, nên không làm nhân mụn phát triển nặng hơn, gom cồi mụn hiệu quả. Nếu không phải tuýp da nhạy cảm, bạn có thể dùng Retinol từ 3 đến 4 lần trong tuần, nhưng hãy để ý các tác dụng phụ như khô da, bong tróc, đỏ rát, châm chích,…
Uống thuốc trị mụn
Nếu cả BHA, Retinol và Benzoyl Peroxide đã dùng hết mà mụn vẫn tiếp tục nổi nhiều hơn, có nguy cơ chảy mủ hay nhiễm trùng. Bạn nên đến thăm khám với các bác sĩ da liễu. Các nhóm thuốc mà bạn có thể được kê để điều trị nổi mụn sau vành tai như Isotretinoin, lợi tiểu Spironolactone để kiểm soát mụn hiệu quả hơn.
Thử các thành phần thiên nhiên
Với một số bạn nổi mụn sau vành tai nhẹ nhàng, chưa gặp quá nhiều vấn đề và không sẵn có BHA hay Retinol. Thì hoàn toàn có thể thay thế bằng các thành phần thiên nhiên như: chiết xuất tràm trà, chiết xuất trà xanh. Đây đều là các chất chống oxy hóa tự nhiên, kháng khuẩn tốt và nhờ đó giảm vi khuẩn mụn phát triển.
Phương pháp phòng ngừa nổi mụn sau vành tai
Chọn sản phẩm làm sạch nhẹ nhàng
Để không bị nổi mụn sau vành tai nhiều hơn thay phòng ngừa không cho chúng có cơ hội phát triển. Bước đầu tiên là bạn cần chọn các sản phẩm làm sạch nhẹ nhàng vừa giúp da sạch và lỗ chân lông thông thoáng, mà không làm bong tróc hay phá vỡ hàng rào bảo vệ da.
Tránh các sản phẩm gây bít tắc lỗ chân lông
Như các bạn đã biết, lỗ chân lông bị tắc nghẽn là nguyên nhân gây nổi mụn sau vành tai. Điều này rất dễ gặp ở các sản phẩm tạo kiểu tóc và dầu xả. Đối với các sản phẩm chăm sóc tóc, bạn nên chọn thành phần không gây mụn, có ký hiệu “Non Comedogenic”. Và sau khi dùng dầu xả phải rửa sạch lại với nước. Kết hợp với BHA bôi tại chỗ sẽ giảm nguy cơ nổi mụn đi đáng kể.
Giữ mái tóc sạch sẽ và gọn gàng ở sau tai
Cách phòng ngừa này sẽ giúp cho vi khuẩn gây mụn không có đủ điều kiện để hình thành. Bởi khi tóc dài che phủ vành tai, tế bào chết, sợi bã nhờn, mồ hôi đều là các yếu tố thuận lợi để mụn phát triển. Với các bạn nữ nếu có để tóc dài, hãy cố gắng giữ cho vùng da tai khô thoáng, tránh đọng mồ hôi và làm sạch tốt vào cuối ngày.
Trên thực tế nổi mụn sau vành tai không phải là vấn đề phổ biến, thế nên khi nổi mụn ở vị trí này các bạn có thể kiểm tra lại các nguyên nhân gây mụn. Tiếp theo đó, có thể điều trị mụn nổi sau vành tai với các phương pháp như dùng BHA, uống thuốc trị mụn, sử dụng tràm trà. Nhưng nếu mụn vẫn tiếp tục phát triển nhiều hơn, có hiện tượng chảy mủ và sưng đỏ, lúc này nên đến thăm khám bởi các bác sĩ da liễu để được chẩn đoán và điều trị chính xác nhất. Beaudy.vn chân thành cảm ơn các bạn đã luôn quan tâm theo dõi và hẹn gặp lại các bạn trong các chủ đề chăm sóc da sắp tới nhé.
Mình rất mong muốn được nghe suy nghĩ của các bạn về bài viết này, hãy để lại comment để mình có thể cải thiện bài viết tốt hơn.